Xử phạt vi phạm hàng giả, hàng nhái hơn 523 tỷ đồng

Thứ 5, 01/12/2016, 15:24 PM
Tính tới hết tháng 10/2016, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý gần 88.000 vụ vi phạm về tiêu thụ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong 10 tháng năm 2016, đối với công tác chống gian lận thương mại, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ, phát hiện gần 88.000 vụ vi phạm với số tiền xử phạt trên 523 tỷ đồng. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc là ngoại có số lượng vi phạm nhiều nhất.
Cụ thể, đối với mặt hàng phân bón đã xử lý 1.522 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 61 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 1 vụ hàng hóa giả mạo mã vạch của nước ngoài. Thuốc bảo vệ thực vật xử lý 515 vụ vi phạm, xử phạt hơn 1.5 tỷ đồng. Còn mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu đã xử lý 4.859 vụ với số tiền vi phạm là hơn 25 tỷ đồng.

Riêng về lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 13.893 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 29 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ tương đương hơn 20 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu gồm rượu, bia, nước giải khát, sữa, rau củ quả, thị gia súc ...
Trước tình trạng gian lận thương mại và hàng giả vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng, Bộ Công thương cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc chưa kiểm soát chặt hướng đi của hàng lậu qua đường biên giới. Bên cạnh đó, còn có tình trạng cán bộ, công chức không tích cực phối hợp đấu tranh hoặc làm ngơ, để đối tượng buôn lậu lợi dụng.
Không những thế, mặc dù các chế tài xử phạt đã được nâng lên, nhiều vụ việc đã bị truy tố hình sự nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, sẵn sàng chống đối các lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó chi phí theo dõi, kiểm tra, bắt giữ, tiêu hủy hàng hóa rất tốn kém nhưng kinh phí được cấp rất khó khăn; trang thiết bị và điều kiện làm việc còn thiếu thốn, lạc hậu, các công cụ hỗ trợ và các thiết bị phụ trợ chưa được trang bị đầy đủ. 
Theo Bộ Công thương, trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an trong việc xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Tập trung ngăn chặn tình trạng thẩm lậu hàng hóa như thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, đường tại các tỉnh miền Nam và miền Trung; các mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả tại các tỉnh biên giới phía Bắc.
Trong thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung ngăn chặn tình trạng bày bán công khai hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đặc biệt trên các tuyến phố của các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: Kinhtedothi.vn