Rượu Champagne và quy trình sản xuất
Champagne là đồ uống dùng để chiêu đãi người khác khi bạn muốn tạo ấn tượng với họ, loại rượu đặc biệt dành cho những dịp đặc biệt. Champagne là nữ hoàng của các loại vang có ga. Việc chuyển hóa những chùm nho xoàng xĩnh thành sản phẩm cả ngàn dollar một chai này đã được bắt đầu từ vài thế kỷ trước.
Champagne có nguồn gốc và lấy tên từ một thành phố phía đông bắc của nước Pháp. Rượu vang trắng (white wine) mặc dù có thể sủi bọt và thơm ngon như tên gọi, nhưng nếu nó không được sản xuất từ 33.500 hecta vườn nho ở vùng này thì nó vẫn không được gọi là champagne.
245 triệu năm trước, vùng này là đáy biển thời tiền sử. Ngày nay những hóa thạch còn sót lại của hàng triệu loài sinh vật biển cổ đại đã chuyển hóa thành đá vôi, cung cấp điều kiện thích hợp cho việc trồng nho, lưu giữ một lượng nước thích hợp để cây nho không bị khô héo.
Champagne có thể được làm từ 3 loại nho khác nhau, 2 loại nho đen (Pinot noir và Pinot Meunier) và 1 loại nho xanh (Chardonnay). Không phải ai cũng thích màu hồng của rượu vang, nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì vì bên trong vỏ màu đen cũng là dịch ép màu trắng.
Ngày nay nho không còn được chà ép bởi những đôi chân mềm mại của các cô hầu gái Pháp. Các máy nghiền hiện đại giúp nghiền các quả nho một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng. Nhờ đó, dịch ép thu được trong suốt mà không bị nhuộm màu hồng tím từ vỏ nho đen. Đây là cách để kiểm soát màu sắc của vang, tuy nhiên để đạt được đúng hương vị như mong muốn thì khó khăn hơn nhiều.
Các hệ thống đường ống trong nhà máy sản xuất vang ngày nay có thể toàn bộ đều làm bằng thép không rỉ sạch sẽ, nhưng phương pháp sản xuất vang thì phải nói trở về khoảng 300 năm trước.
Dịch ép nho từ mỗi ruộng nho và từ mỗi một làng khác nhau thì khác nhau, do đó chúng được dẫn tới những thùng lên men riêng biệt làm bằng thép không rỉ. Nấm men được trộn vào và chuyển hoá đường trong dịch nho thành rượu.
Tuy nhiên vang ngon thành phẩm không phải là sản phẩm từ một mẻ nho, mà là sản phẩm của hỗn hợp trộn cẩn thận các hương vị khác nhau từ nhiều mẻ lên men. Các chuyên gia sẽ nếm thử rượu từ các thùng lên men và quyết định công thức trộn để đạt được champagne có hương vị đặc trưng. Rượu từ các thùng lên men sẽ được trộn chính xác theo công thức này trong các chai thuỷ tinh. Một lượng nấm men và đường nhất định sẽ được thêm vào mỗi chai. Lúc này, dung dịch trong các chai giống hệt như rượu vang trắng và chưa có bọt khí. Vang không có bọt cũng giống như ngày cưới mà không có cô dâu.
Nhờ có nấm men và đường, một quá trình lên men thứ 2 diễn ra trong các chai thuỷ tinh. Carbon dioxide tạo ra trong quá trình lên men không thể thoát khỏi chai nên sẽ tích tụ lại thành các bọt khí nhỏ. Mất khoảng 3 tuần để hình thành bọt khí và để nấm men tiêu thụ hết đường và chết đi. Những chai champagne này được để tiếp trong vòng 2 năm. Quá trình kết lắng nấm men tạo cho champagne một hương vị đặc trưng. Cả quá trình lên men này được thực hiện trong các hầm rượu (dài 18 km) được giữ ở nhiệt độ ổn định là 12 oC.
Sau khi quá trình lên men kết thúc, cần tìm cách loại bỏ nấm men khỏi chai mà không làm ảnh hưởng đến bọt khí của rượu trong chai. Quá trình này tất cả đều nhờ vào hoạt động của cổ tay. Mỗi ngày, các công nhân sẽ đảm nhận một công việc nhàm chán là quay các chai champagne mỗi ngày một ít trong vòng 3 tuần cho đến khi các chai champagne lộn ngược. Nấm men sẽ lắng xuống phần nắp chai ở phía dưới. Các chai champagne ngược này sẽ được nhúng vào các thùng lạnh -27 oC, phần cổ chai sẽ bị đông lạnh cùng với nấm men ở bên trong. Phần khoá ở nắp chai được cắt đi, khi đó nắp chai cùng với nấm men sẽ bị đẩy ra khỏi chai do áp lực từ khí CO2 tích tụ trong chai. Trong quá trình sau đó, khí CO2 sẽ tiếp tục thoát ra, do đó các chai champagne cần nhanh chóng được đóng kín với bấc để ngăn chặn bọt khí thoát ra ngoài.