Nông nghiệp Pháp đi lên con đường cường quốc từ nền tảng manh mún như thế nào?

Thứ 7, 27/01/2018, 10:25 AM
Pháp đứng đầu Châu Âu về sản lượng củ cải đường với 29 triệu tấn mỗi năm, đồng thời đứng đầu thế giới về sản lượng rượu vang với 5,3 triệu tấn mỗi năm. Quốc gia này đứng thứ 2 Châu Âu về sản lượng sữa với 23,3 triệu tấn và cung cấp tới hơn 1,8 triệu tấn thịt cho thị trường khu vực hàng năm.

Nói đến nước Pháp, có lẽ không nhiều người xa lạ với nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới theo GDP danh nghĩa năm 2016 và lớn thứ 2 tại Châu Âu. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng nền nông nghiệp Pháp cũng đứng thế 6 thế giới về sản lượng và đứng đầu Liên minh Châu Âu (EU). Thậm chí, xuất khẩu nông sản của nước này đứng thứ 2 thế giới và chỉ xếp sau Mỹ.

Lịch sử lâu đời

Mặc dù nổi tiếng với ngành nông nghiệp như vậy nhưng ít có ai biết rằng Pháp cũng từng là nước vô cùng lạc hậu trong nghề nông, thậm chí không thể tự cung tự cấp thực phẩm cho người dân.

Để có được những thành công vang dội này, chúng ta phải lội ngược dòng về năm 2000 trước công nguyên với dân tộc Gaulois, những người trồng trọt đầu tiên trên đất Pháp. Đây là thời kỳ nông nghiệp manh mún tự phát và hiệu suất còn rất kém, chủ yếu mang tính chất hoang dã.

Phải đến năm 50 sau công nguyên, đế chế La Mã xâm lược đem theo kỹ thuật và hệ thống tổ chức cho toàn Châu Âu mới cải biến được tình hình, nâng cao hiệu suất. Dẫu vậy mọi chuyện trở nên khó khăn hơn khi bước vào thời kỳ trung cổ, các nông dân trồng trọt trên đất của lãnh chúa với hiệu suất thấp và kỹ thuật lạc hậu.

Nông nghiệp Pháp đi lên con đường cường quốc từ nền tảng manh mún như thế nào? - Ảnh 1.

Mọi chuyện chỉ thực sự thay đổi cho đến cuộc đại cách mạng bắt đầu vào năm 1789 khi giai cấp tư sản lật đổ chế độ chuyên chính quân chủ và giáo hội mà đỉnh điểm là việc hành quyết vua Louis XVI năm 1793. Trong đó, nông nghiệp đóng góp vai trò vô cùng quan trọng dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn cả về chính trị, kinh tế, xã hội và kỹ thuật ở Pháp.

Ngoài những yếu tố bất ổn trong xã hội thời đó, việc nông nghiệp Pháp mất mùa vài năm cùng sưu cao thuế nặng đã góp phần thúc đẩy cuộc nổi dậy của người dân trong cuộc đại cách mạng này. Sau thành công đó, thuế nông nghiệp được giảm, sở hữu đất đai của người dân được phân bố lại từ tay quý tộc và giáo hội.

Kể từ đây, sản lượng nông nghiệp Pháp dần được ổn định nhưng chưa có nhiều đột phá về năng suất cho tới tận thế kỷ 19. Sự bùng nổ về công nghệ thời gian này đã khiến nông nghiệp Pháp tăng sản lượng tới 78%.

Nguồn vốn dồi dào từ tư nhân cùng hệ thống tưới tiêu, phân bón được cải thiện đã giúp nông nghiệp Pháp lột xác hoàn toàn. Hơn nữa, sự phát triển của công nghiệp cũng góp phần cải thiện đời sống, gia tăng nhu cầu nông sản trên thị trường.

Vào những năm 1848, nông dân chiếm 75% cử tri tại Pháp và các chính trị gia luôn cố gắng để chiều lòng những người bỏ phiếu này bằng các quy định có lợi cho nông nghiệp.

Mặc dù vậy, câu chuyện bắt đầu chuyển hướng từ năm 1870 khi thực dân Pháp mở rộng xâm lược, hàng hóa thuộc địa tràn vào bản thổ khiến giá nông sản nước này tụt thê thảm. Thêm vào đó, sự bùng nổ của ngành công nghiệp cũng khiến nông nghiệp Pháp mất dần sức lao động cũng như ảnh hưởng.

Nông nghiệp Pháp đi lên con đường cường quốc từ nền tảng manh mún như thế nào? - Ảnh 2.

Mãi đến cuối thế kỷ thứ 19, bước sang thế kỷ 20, các nhà hoạch định chính sách Pháp mới dần chú trọng bảo vệ ngành nông nghiệp. Sự tự động hóa, hệ thống hóa trong công nghiệp cũng dần được áp dụng vào nông nghiệp, qua đó tạo bước tiến hoàn toàn mới cho toàn ngành.

Ngày nay, thế hệ nông dân trẻ ở Pháp coi nông nghiệp là một ngành nghề đòi hỏi kỹ năng không kém gì những công việc khác. Người nông dân hải quy hoạch đất trồng, tính toán lượng phân bón, thuốc trừ sâu, trồng hay chăn nuôi thứ gì để đem lại lợi nhuận nhất.

Cường quốc nông nghiệp

Những sản phẩm nông sản "Made In France" luôn là niềm tự hào của nước Pháp khi mỗi nông dân tạo ra được thêm 5-7 việc làm cho ngành chăn nuôi hay chế biến. Mặc dù chỉ chiếm gần 4 % lực lượng lao động nhưng ngành nông nghiệp Pháp đủ sức nuôi toàn dân.

Nông nghiệp đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp 3% tổng GDP. Đặc biệt, những sản phẩm nông nghiệp của Pháp như rượu vang, sữa, thịt bò, củ cải đường… đều có sản lượng và chất lượng hàng đầu thế giới.

Để làm được điều này, chính phủ Pháp thành lập một hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vô cùng chặt chẽ. Theo Bộ nông nghiệp và thực phẩm Pháp, nước này thực hiện khoảng 30.000 cuộc kiểm tra với các doanh nghiệp và 60.000 cuộc kiểm tra với các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo hàng nông sản của nước này luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tại các trang trại, động vật chăn nuôi được gắn mã số suốt đời, được kiểm nghiệm hàng tuần về chất lượng và sẽ bị phạt nặng cũng như hủy bỏ nếu vi phạm.

Ngoài ra, Pháp thành lập khá nhiều các nghiệp đoàn nhằm đảm bảo chất lượng thịt giết mổ cũng như những sản phẩm nông sản khác. Nổi tiếng nhất trong số đó là nghiệp đoàn đa nghề (Fict) và Hội liên ngành rau củ quả (Interfel).

Nông nghiệp Pháp đi lên con đường cường quốc từ nền tảng manh mún như thế nào? - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, chính quyền Paris cũng lưu ý đến môi trường sinh thái khi dưa ra chương trình hạn chế sử dụng hóa chất trong các sản phẩm động thực vật, qua đó giảm gần 40% lượng kháng sinh sử dụng cũng như tiết kiệm chi phí.

Về lực lượng bác sĩ thú y, hàng năm Pháp chỉ đào tạo khoảng 140 người. Dù số lượng không cao nhưng chất lượng của những bác sĩ này rất tốt khi các học viên phải trải qua nhiều kỳ thi khắc nghiệt, thậm chí khó hơn cả việc trở thành một bác sĩ thường. Hiện Pháp có khoảng 1.000 bác sĩ thú y công và 17.000 bác sĩ thú y tư.

Một yếu tố nữa khiến nông sản Pháp duy trì được đà tăng trưởng là do chính phủ giải quyết tốt vấn đề đầu ra. Nghiệp đoàn Fict được thành lập từ năm 1924 với 309 doanh nghiệp, 37 nghìn lao động và 1,2 triệu tấn sản phẩm thịt hàng năm với tôn chỉ đảm bảo chất lượng của thịt Pháp cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm này. Trong khi đó, Interfel được thành lập vào năm 1976, chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường, phân phối, vận chuyển… về rau quả cho các trang trại Pháp.

Nhờ những nghiệp đoàn này, người nông dân Pháp chỉ cần tập trung vào chất lượng sản phẩm cũng như sản xuất thay vì phải phân tâm tìm đầu ra.

Pháp đứng đầu Châu Âu về sản lượng củ cải đường với 29 triệu tấn mỗi năm, đồng thời đứng đầu thế giới về sản lượng rượu vang với 5,3 triệu tấn mỗi năm. Quốc gia này đứng thứ 2 Châu Âu về sản lượng sữa với 23,3 triệu tấn và cung cấp tới hơn 1,8 triệu tấn thịt cho thị trường khu vực hàng năm.

Không chỉ nhờ quy trình kiểm duyệt khắt khe, việc giá nông sản ở Pháp đủ cao cũng khiến người nông dân có thể sống với nghề. Rất nhiều trang trại nhỏ hiện nay trồng theo phong cách thân thiện môi trường (hữu cơ) và đem nông sản bán tại các chợ địa phương. Đầu ra của họ chủ yếu là những gia đình chuộng nông sản sạch hoặc những đầu bếp nhà hàng, khách sạn trong vùng.

Nông nghiệp Pháp đi lên con đường cường quốc từ nền tảng manh mún như thế nào? - Ảnh 4.

Trong tổng số hơn 550.00 km2 đất tự nhiên, diện tích đất dành cho nông, lâm nghiệp của Pháp chiếm gần 82%.

Có lẽ, nhờ chất lượng nông sản tuyệt vời như vậy mà nền ẩm thực của Pháp mới có thể nổi tiếng khắp toàn cầu như ngày nay.

Nguy cơ từ toàn cầu hóa

Mặc dù vậy, nền nông nghiệp Pháp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Năm 2015, nhiều cuộc biểu tình của nông dân Pháp đã diễn ra khi giá nông sản bị sụt giảm mạnh. Những tổ chức công đoàn nông dân như FNSEA đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc trước thực trạng nông sản nước này phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu.

Trong thời gian qua, tiến trình toàn cầu hóa đang đe dọa đến ngành nông nghiệp Pháp khi thu nhập của nông dân nước này giảm từ 18.300 Euro vào năm 2013 xuống chỉ còn 14.500 Euro vào năm 2014, tương đương mức lương tối thiểu hàng năm ở Pháp.

Giá thịt lợn, thịt bò tại Pháp đã giảm 6-8% trong khi giá sữa giảm 17% trên thị trường đang khiến nông dân Pháp phải lao đao. Những người nông dân cho rằng chính phủ Pháp đã không có những động thái đủ tích cực để bảo vệ quyền lợi cho họ, khiến hàng hóa của các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) ồ ạt đổ vào thị trường này sau khi hạn ngạch sản xuất nhiều mặt hàng nông sản được dỡ bỏ vào năm 2015.

Việc chính quyền Paris không phản đối quyết liệt duy trì hạn ngạch nông sản tại EU đã khiến hàng hóa của các nước có thế mạnh như Hà Lan, Đức, Ireland tràn vào thị trường. Mặc dù chính phủ có hỗ trợ thu nhập cho người nông dân nhưng chúng không giải quyết triệt để được tình hình mà chỉ khiến ngày càng nhiều trang trại phá sản.

Nông nghiệp Pháp đi lên con đường cường quốc từ nền tảng manh mún như thế nào? - Ảnh 5.

Số liệu của Ủy ban Châu Âu (EC) cho thấy các nước thành viên đã tăng 5,5% sản lượng sữa trong khoảng 2014-2015 cũng như sản lượng nhiều mặt hàng nông sản khác.

Bên cạnh đó, việc nhiều nước như Đức thuê nhân công giá rẻ từ Đông Âu khiến sản phẩm có lợi thế về giá cũng khiến nông dân Pháp khó cạnh tranh.

Ngoài ra, việc phần lớn trang trại Pháp vẫn hoạt động theo mô hình nhỏ lẻ, cá thể, thân thiện môi trường cũng khiến sản phẩm nước này khó cạnh tranh về giá so với nhiều mặt hàng nông sản khác trong khu vực.

Rõ ràng, nông nghiệp Pháp đang cần một cuộc cải cách mới để duy trì đời sống nông dân cũng như giữ gìn được thương hiệu "Made in France".