Khốc liệt như cạnh tranh ngành bia

Thứ 6, 17/02/2017, 15:57 PM
Các DN ngành bia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các hãng bia ngoại, nhiều khả năng miếng bánh thị phần bia tại Việt Nam sắp tới sẽ được phân chia lại

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh 2015 và phương hướng hoạt động 2016 của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, trong năm 2016, cạnh tranh của ngành bia rượu nước giải khát sẽ “cực kỳ khốc liệt”.

Cơ sở để bà Thoa đưa ra nhận định này là do hàng loạt Hiệp định song phương và đa phương đã và sắp ký kết dẫn đến sự cạnh tranh trong lĩnh vực bia nói riêng là rất lớn.

“Ngành hàng đồ uống chi phí vận chuyển rất cao, việc xuất khẩu thường không được nhiều. Nhưng mà người ta (DN nước ngoài) vào Việt Nam đầu tư nhà máy ở Việt Nam và cạnh tranh với DN bia của Việt Nam, do đó, sự cạnh tranh sắp tới sẽ là rất khốc liệt”, bà Thoa nói.  

Thực tế đã chứng minh nhận xét trên là đúng, ngoài những đối thủ ngoại đã có mặt và am hiểu thị trường như Heineken hay Carlsberg… thị trường bia nội cũng đang chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của Sapporo (Nhật Bản), AB-Inbev (Mỹ) và mới nhất là Shingha (Thái Lan) thông qua nắm giữ 25% cổ phần tại Masan Consumer Holdings - đầu tư nhà máy bia Masan Brewery HG tại Hậu Giang, công suất 100 triệu lít/năm.

Thống kê mới nhất từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho thấy, đến nay cả nước có khoảng 129 cơ sở sản xuất bia; trong 63 tỉnh thành phố trên cả nước hiện nay chỉ có 20 địa phương là không có cơ sở sản xuất bia.

Tuy nhiên, các DN bia trong nước phần lớn là DN quy mô nhỏ, thương hiệu địa phương tăng trưởng thấp chủ yếu duy trì hoạt động. Sản lượng sản xuất của các cơ sở sản xuất tập trung ở các tỉnh thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh: 34,69%; Hà Nội 12,64%; Thừa Thiên - Huế 6,8%; Bình Dương 7,58%; Nghệ An 5,57%; Quảng Ngãi 3,59%...

Trở lại với câu chuyện cạnh tranh của ngành bia. Sau khi trở thành DN 100% vốn nước ngoài, Sapporo đã thay đổi nhận diện bao bì sản phẩm và đang mở rộng mạng lưới phân phối theo phong cách chắc chắn, chu đáo và được tin cậy của người Nhật.

Còn Công ty AB-InBev, vào tháng 5/2015 cũng đã khánh thành nhà máy bia 50 triệu lít/năm tại Bình Dương. Theo kế hoạch của AB-InBev, công suất nhà máy tại Việt Nam sẽ tăng lên 100 triệu lít/năm trong thời gian tới và sản phẩm sẽ chủ yếu phục vụ cho thị trường Việt Nam.

Những động thái trên của DN bia ngoại cho thấy, nhiều khả năng miếng bánh thị phần bia tại Việt Nam sắp tới sẽ được phân chia lại. Vậy DN bia nội trong nước cần làm gì để trụ vững và phát triển trong cuộc cạnh tranh này? Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, người phụ trách quản lý các DN ngành bia rượu có vốn Nhà nước cho rằng, yếu tố vùng miền là đặc biệt quan trọng, bởi mỗi nơi có “gu” uống bia khác nhau. Do đó, DN phải hiểu được điều này, và có chiến lược marketing phù hợp.

Bà Thoa dẫn chứng bằng câu chuyện khi dự khai trương nhà máy bia của Masan tại Hậu Giang, bà nhận thấy DN này có vẻ rất hiểu tâm lý của người tiêu dùng miền Tây, khi mà từ bài hát đến các cảnh trong phim quảng cáo, kể cả cách tổ chức Lễ khánh thành cũng mang đậm chất của người miền Tây.

Đứng ở góc độ DN, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco thừa nhận, thị trường bia nội đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh đặc biệt từ các thương hiệu nước ngoài. Các hiệp định về thương mại khu vực chung (AEC, TPP...) ảnh hưởng đến thuế suất cho bia nhập khẩu và mở cửa cho các hãng bia thuộc các quốc gia tham gia hiệp định.

Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sabeco trong năm 2016 là tập trung giữ vững và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, DN nội đang dẫn đầu thị trường này sẽ tiến hành các giải pháp nhằm gia tăng tỷ trọng sản phẩm trong phân khúc cao cấp và đối tượng khách hàng trẻ; tập trung nghiên cứu sản phẩm mới để tung ra thị trường trong năm 2016... 

Còn theo các chuyên gia trong ngành bia rượu, chất lượng luôn là yếu tố quan trọng để DN trụ vững trước áp lực cạnh tranh. Bởi lẽ, dù DN có làm thị trường tốt, có tung hô sản phẩm như thế nào nhưng nếu chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng theo cái “gu” của từng vùng miền, thì chắc chắn DN sẽ gặp khó khi muốn giữ hoặc phát triển thị trường mới.

Đây có thể là lý do giải thích vì sao bia Huda (Huế), bia Larue (Đà Nẵng)… ít thấy xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam nói chung.