Khi Masan lấn sân ngành sữa, liệu họ có chọn làm trà sữa đóng chai?

Thứ 2, 14/05/2018, 08:34 AM
Một thị trường có liên quan đến sữa sẽ dễ dàng để cho đơn vị có tiềm lực mạnh và kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng như Masan "đánh chiếm", lại vẫn đang bỏ ngỏ ở Việt Nam là trà sữa đóng chai và các sản phẩm nước uống có chứa sữa

Hé lộ kế hoạch gia nhập ngành sữa, các lãnh đạo của Masan Group khiến cho những người quan tâm hết sức tò mò và câu hỏi đang được nhắc đến nhiều nhất là: Họ sẽ mua doanh nghiệp nào?

Ngoài các nhãn sữa ngoại, thị trường sữa dinh dưỡng hiện nay gói gọn trong một số cái tên quen thuộc bao gồm Vinamilk, TH True Milk, NutiFood, Mộc Châu, Sữa Quốc tế IDP, Long Thành Milk (Lothamilk), Đà Lạt Milk… Chưa kể đến việc nhiều doanh nghiệp trong số đó rất khó để có thể mua cổ phần với tỷ lệ lớn thì việc Masan chọn một ngành đang cạnh tranh gay gắt như sữa cũng đặt ra cho doanh nghiệp bài toán không đơn giản.

Trong khi đó, một thị trường khác có liên quan đến sữa sẽ dễ dàng để cho một đơn vị có tiềm lực mạnh và kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng như Masan "đánh chiếm", lại vẫn đang bỏ ngỏ ở Việt Nam là trà sữa đóng chai và các sản phẩm nước uống có chứa sữa.

Khi Masan lấn sân ngành sữa, liệu họ có chọn làm trà sữa đóng chai? - Ảnh 1.
 

Sức nóng của thị trường trà sữa

Sức nóng của thị trường trà sữa tại Việt Nam có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, khi hàng loạt nhãn hiệu trà sữa nhượng quyền từ Đài Loan, Singapore, Nhật Bản đổ bộ vào Việt Nam và đặt mục tiêu mở chuỗi cửa hàng lên đến con số hàng trăm.

Có thể thấy, sau kế hoạch phủ kín các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thì các thương hiệu nổi nhất hiện nay như Ding Tea, Gongcha, Royal Tea đã tràn về các địa phương khác và luôn được bắt gặp trong tình trạng khách hàng đứng thành hàng dài xếp số chờ mua.

Báo cáo từ Euromonitor cho biết, năm 2016, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD nhưng quan trọng hơn, sức hấp dẫn của nó là tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 20%.

Theo một báo cáo phát hành bởi Allied Market Research, thị trường trà sữa toàn cầu có quy mô 1.957 triệu USD trong năm 2016 và được dự báo có thể đạt 3.214 triệu USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng bình quân CAGR đạt 7,4% từ năm 2017 đến 2023. Trà sữa là thức uống yêu thích của giới trẻ toàn cầu chứ không riêng gì châu Á hay Việt Nam.

Khi đánh giá về tiềm năng của thị trường trà sữa Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp thường nhắc đến Đài Loan – quê hương của loại thức uống này. Trà sữa đã có mặt khoảng 60 - 70 năm tại đây và với dân số chưa đầy 30 triệu người, Đài Loan có gần 500 thương hiệu trà sữa. Trà sữa đã chứng minh được rằng nó không chỉ là một loại đồ uống mà còn trở thành văn hóa uống trà. Vì thế, Việt Nam – thị trường 90 triệu dân – được cho rằng dư địa phát triển còn quá lớn.

Nhưng trái với sự sôi động của các chuỗi cửa hàng trà sữa, sản phẩm trà sữa đóng chai tại Việt Nam lại không có nhiều, chủ yếu là loại nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc có giá bán khá cao. Loại trà sữa đóng chai "made in Vietnam" được bày bán nhiều nhất ở siêu thị là Latte của CTCP thực phẩm Quốc tế (Interfood Kirin) – đơn vị nổi tiếng với thương hiệu trà bí đao Wonderfarm.

Doanh nghiệp này cũng phát triển các loại nước uống hương vị trái cây có chứa sữa khác mang thương hiệu Latte, cạnh tranh cùng sản phẩm nước trái cây sữa Vfresh Smoothie của Vinamilk.

Khi Masan lấn sân ngành sữa, liệu họ có chọn làm trà sữa đóng chai? - Ảnh 2.
 

Trà sữa đóng chai hay nước trái cây pha sữa đóng chai, về cơ bản không có lợi thế về hương vị và độ "tươi" so với trà sữa mua tại cửa hàng, nhưng đáp ứng được tối đa về tiêu chí tiện lợi và cất trữ. Không phải tự nhiên mà ngành công nghiệp trà sữa đóng chai của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan ra đời và phát triển.

Tiêu chí "làm sữa" của Masan

Ông Trương Công Thắng – Chủ tịch HĐQT của Masan Consumer khi đề cập về kế hoạch gia nhập ngành sữa đã nói, Masan không gia nhập một ngành hàng chỉ vì ngành đó lớn hoặc nhiều người thành công, mà phải thỏa mãn ít nhất một trong hai yếu tố quan trọng.

Thứ nhất, ngành hàng đó phải có những sự bất cập và thiếu hiệu quả trong sản xuất, vận hành mà Masan có thể làm tốt hơn đối thủ. Thứ hai, ngành hàng đó chưa thật sự có những thương hiệu mạnh do các đối thủ chưa quan tâm xây dựng. Lĩnh vực nào đáp ứng những yếu tố đó thì Masan sẽ làm, và khi làm sẽ phải là Công ty đứng đầu thị trường đó, tức chiếm ít nhất 51% thị trường.

Chiếu theo các tiêu chuẩn này, ngành sữa nước dinh dưỡng với cái bóng quá lớn của Vinamilk, TH True Milk hay NutiFood sẽ làm cho mục tiêu 51% thị phần của Masan gặp khó khăn rất nhiều. Bên cạnh đó, trong khi thế mạnh các sản phẩm tiêu dùng của Masan là "hương vị" và "tiện lợi" hơn là dinh dưỡng thì cho đến nay, người tiêu dùng Việt Nam vẫn xếp loại sữa và các chế phẩm từ sữa vào hàng thực phẩm dinh dưỡng.

Một số số liệu trên truyền thông cho hay, ở Việt Nam mới có trên 7.000 loại thức uống trong khi ở Nhật bản là 14.000 loại. Một số loại đồ uống đã gia nhập và thành xu hướng ở Việt Nam, với riêng ngành sữa là xu hướng dùng sữa hạt. Lỗ hổng thị trường sữa hạt vừa được TH True Milk "lấp" với sữa hạt macca và hạt óc chó (giá cao) còn Vinamilk cũng tung ra sản phẩm sữa đậu nành pha thêm hạt óc chó (giá thấp), còn sự bỏ ngỏ của trà sữa đóng chai cũng được coi là một cơ hội cho ông lớn Masan.