Đại gia nào đã được hái 'quả ngọt' sau tuyên bố đầu tư vào nông nghiệp?

Thứ 5, 16/11/2017, 11:47 AM
Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đổ xô đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đến nay chưa có nhiều doanh công bố lợi nhuận từ lĩnh vực này.

Năm 2016 là năm CTCP Tập đoàn Hòa Phát đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp. Kết quả kinh doanh năm 2016 của Hòa Phát cho thấy, doanh thu thuần trong mảng nông nghiệp đạt 1.395 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2015. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn so với tổng doanh thu 33 nghìn tỷ đồng của tập đoàn.

Tham vọng Nông nghiệp của Hòa Phát được thực hiện trên nên tảng nông nghiệp Thức ăn – Chăn nuôi – Thực phẩm (Feed – Farm – Food – 3F). Sau khi đi vào hoạt động nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Hưng Yên (tháng 4/2016), Nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ hai tại Đồng Nai đi vào hoạt động trong tháng 2/2017 và nhà máy thứ ba đang đi đúng tiến độ để bắt đầu hoạt động vào quý 1/2018. Hòa Phát có kế hoạch xây dựng thêm hai nhà máy thức ăn chăn nuôi mới, dự kiến sẽ giúp công ty đạt doanh số bán 1 triệu tấn và trở thành một trong 10 công ty sản xuất thức ăn chăn nuối hàng đầu Việt Nam vào năm 2020 với 5% thị phần.

Hòa Phát đang đẩy mạnh nhập khẩu lợn, bò và gà với mục tiêu cung cấp ra thị trường 650.000 đầu lợn thương phẩm, 75.000 con bò thịt và 300.000 triệu trứng gà trong vòng 5 năm tới. Theo kế hoạch, Hòa Phát cũng sẽ bắt đầu cung cấp lợn giống và lợn thịt ra thị trường trong năm 2018. Hiện tại, doanh nghiệp đang vận hành trang trại gia súc tại Thái Bình và Đồng Nai, phát triển trang trại tại Quảng Bình.

Hòa Phát đang xây dựng trang tại nuôi gà giống đầu tiên tại Phú Thọ, với quy mô 22.000-25.000 con gà, và sẽ nhập khẩu thế hệ gà giống đầu tiên năm nay. Hai trang trại gà mái thương phẩm lấy trứng có công suất 600.000 trứng/năm/trang trại đang được triển khai tại Phú Thô và Đồng Nai, Dự kiến vào đầu năm 2018, cả hai trang trại này sẽ cung cấp trứng tươi, sạch và có hàm lượng dinh dưỡng cao ra thị trường.

Tuy nhiên, tham vọng của Hòa Phát đang gặp phải bất lợi lớn khi giá thịt lợn hơi đang xuống thấp mức kỷ lục 15.000 đồng/kg, nếu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không chấp nhận chia sẻ với người chăn nuôi, thực trạng người chăn nuôi bỏ chuồng trại là điều khó tránh khỏi. Cho dù thế nào, cũng sẽ là một tương lai bất định cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới.

Có tham vọng không kém gì Hòa Phát, Tập đoàn Vingroup cũng đã bắt tay vào lĩnh vực nông nghiệp cao với việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco. Đầu tháng 10/2015, VinEco chính thức ra mắt thị trường mẻ rau sạch đầu tiên sau 6 tháng Vingroup công bố tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô lớn.

Theo báo cáo thường niên 2016, VinEco đã có 14 nông trại và 2 trung tâm sơ chế tập trung với quỹ đất hơn 2.000 ha, trong đó diện tch đã khai thác và canh tác lên tới 630 ha. Sản lượng năm 2016 của VinEco đạt hơn 9.600 tấn sản phẩm, với 325 loại rau, củ, quả khác nhau.

Mặc dù sản phẩm của VinEco được hỗ trợ tiêu thụ bởi hệ thống các siêu thị VinMart và các cửa hàng tiện ích VinMart+. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016, Vingroup không công bố số liệu về doanh thu trong lĩnh vực nông nghiệp, thay vào đó nông nghiệp được đưa vào mục “hoạt động kinh doanh khác” với khoảng 3% tổng doanh thu của toàn tập đoàn.

Đại gia nào đã được hái 'quả ngọt' sau tuyên bố đầu tư vào nông nghiệp? - Ảnh 1

Trang trại của VinEco tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Một đại gia khác cũng mới đầu tư thêm vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là Tập đoàn TH với việc khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao với quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng tại tỉnh Thái Bình cuối tháng 2 vừa qua.

Với tổng diện tích sản xuất khoảng 3.000ha. Trong đó diện tích sản xuất rau, củ quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000ha. Tập đoàn TH đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm. Với TH, để thu hoạch được trái ngọt từ khoản đầu tư này sẽ còn là cả một chặng đường dài.

Tuy nhiên, một số đại gia đầu tư vào nông nghiệp gần đây cũng đã công bố thắng lớn, trong đó có PAN Group. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2017 vừa mới diễn ra, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc tập đoàn cho biết, năm 2016 doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.753 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 336 tỷ đồng, tăng 20% cùng kỳ năm trước.

PAN Group có 2 công ty con trực tiếp là CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) và CTCP PAN Saladbowl. Trong đó NSC đóng góp 48% doanh thu và 50% lợi nhuận vào kết quả kinh doanh của tập đoàn. PAN Saladbowl dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng hoa lên 200ha trong vòng 5 năm tới bao gồm cả diện tích trồng hoa hợp tác với nông dân. Hiện tại công ty đang tập trung vào hoa cúc và cẩm chướng, thị trường xuất khẩu là Nhật Bản, ngoài ra công ty bắt đầu thử nghiệm các loại rau cao cấp.

Không muốn nói nhiều về kết quả ở lĩnh vực còn khá mới mẻ này, nhưng ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN Group, cho biết tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 33%/năm của PAN trong lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu là một kết quả đáng khích lệ.

Một đại gia khác cũng đang đầu tư giàn trải trong lĩnh vực nông nghiệp là Hoàng Anh Gia Lai với Công ty con HAGL Agrico. Từ cuối năm 2014, HAGL đã chính thức bắt tay đầu tư chăn nuôi bò quy mô công nghiệp với nguồn giống nhập khẩu từ Úc, New Zealand nuôi tại Việt Nam, Lào. Với ưu thế về quỹ đất lớn để trồng cỏ, tận dụng nguồn thực phẩm sẵn có dồi dào từ cây bắp, cọ dầu, phụ phẩm mía đường. Trong năm qua, sản phẩm bò thịt HAGL chỉ tập trung cung cấp vào các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Trong cơ cấu nguồn thu hợp nhất của HAGL, thịt bò vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với hơn 3.500 tỷ doanh thu trong năm 2016, tăng 1.000 tỷ so với năm 2015. Sản phẩm này chiếm 55% doanh thu và 35% lợi nhuận gộp của HAGL.

Mới đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ về cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đưa nội dung triển khai chương trình vào Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/1/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động của ngành góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn để bàn về việc triển khai chương trình. Các ngân hàng thương mại đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ và đã đăng ký số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay các dự án có hiệu quả với lãi suất ưu đãi ở mức phù hợp.

Đối tượng ưu đãi là khách hàng có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.