Thủ tướng: 'Người dân có quyền được hưởng sản phẩm tươi, sạch'

Thứ 3, 19/12/2017, 10:37 AM
Thủ tướng lưu ý các địa phương ngoài phát triển thị trường ngoài nước cũng cần chú ý đến thị trường nội địa bởi người dân trong nước cũng có quyền được hưởng thực phẩm sạch, tươi.

Chiều 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo bộ ngành đã tham dự Diễn đàn Phát triển thị trường cho ngành rau - củ - quả và giải pháp phát triển hệ thống logistic phục vụ nông nghiệp - nông thôn tại Đồng Tháp.

Xuất khẩu rau - củ - quả vượt qua lúa gạo và dầu khí

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đưa ra những nhận định tích cực về tương lai của ngành rau củ quả Việt Nam. Theo Thủ tướng, xuất khẩu rau củ quả năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD, vượt qua lúa gạo và dầu khí.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng diễn đàn phát triển thị trường cho ngành rau - củ - quả là một sự xác định ưu tiên cho vấn nghề nông nghiệp nông thôn.

 

Thủ tướng: Người dân có quyền được hưởng sản phẩm tươi, sạch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn đàn về phát triển thị trường cho rau - củ - quả. Ảnh: Trương Khởi.

Theo Bộ trưởng Cường, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đã vượt qua con số 36 tỷ USD. Riêng ngành rau quả, lần đầu tiên đạt tăng trưởng hơn 45% so với 2016, đạt 3,4-3,5 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với giá trị lúa gạo.

Tuy nhiên, nếu so với sản lượng 317 tỷ USD quả tươi và chế biến của thế giới, Việt Nam mới chỉ chiếm 1%. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận khâu yếu nhất của Việt Nam chính là chế biến và thị trường.

“Sản xuất nhỏ lẻ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Rau củ quả có thể là cơ hội để khắc phục và tạo ra dư địa mới”, ông Cường nhận định.

“Người dân có quyền hưởng thực phẩm sạch, tươi, đảm bảo sức khoẻ giống như thị trường nước ngoài”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ cho biết Việt Nam có hơn 860.000 ha sản xuất đất nông nghiệp, chiếm 2% của thế giới. Cả nước chỉ có 145 doanh nghiệp tham gia chế biến rau củ quả nhưng doanh số xuất khẩu lại vượt qua 582 nhà máy lúa gạo.

Ông Thành cho rằng không chỉ Đồng Tháp mà cả nước cần phải tận dụng lợi thế của những người đi sau. Tức là xây dựng công nghệ hiện đại, tiên tiến và hình thành những trung tâm chế biến lớn, tránh các công nghệ lạc hậu.

Chi phí logistic đắt đỏ nhất thế giới

Thủ tướng nhấn mạnh đây không phải lúc nói nhiều đến thành tích đạt được mà phải nhìn nhận rõ hơn những bất cập cần khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải, vốn được coi như là điểm nghẽn trên con đường vươn ra thế giới của nông sản Việt Nam.

Thủ tướng: Người dân có quyền được hưởng sản phẩm tươi, sạch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Trương Khởi. 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhìn nhận xuất khẩu nông sản chỉ bằng 1% sản lượng thế giới là điều rất đáng suy nghĩ. Những hạn chế mà Thủ tướng chỉ ra là năng suất thấp, chất lượng chưa đồng đều, thị trường không ổn định ở nhiều địa phương. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn diễn ra.

Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp chế biến chỉ chiếm 8% trong 3,5 tỷ đô sản lượng xuất khẩu. “Chi phí logistic của Việt Nam thuộc nhóm đắt đỏ nhất thế giới, chiếm tới 18-20% giá thành sản phẩm. Chi phí này cao gấp đôi so với các nước phát triển và cũng cao hơn 4% so với các nước tương đương”, Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng điều này đã làm tăng chi phí sản phẩm. Bộ GTVT và các địa phương bàn cách phát triển hơn nữa dịch vụ logistic. 

Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong quản lý vĩ mô từ phía Chính phủ. Sau hội nghị, Chính phủ và các bộ ngành sẽ có biện pháp đưa rau củ quả phát triển xứng với tiềm năng. 

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các doanh nghiệp và địa phương bên cạnh phát triển thị trường ngoài nước cũng cần chú trọng đến thị trường nội địa. “Người dân có quyền hưởng thực phẩm sạch, tươi, đảm bảo sức khoẻ giống như thị trường nước ngoài”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Người dân có quyền được hưởng sản phẩm tươi, sạch
Các khách hàng của nông sản Việt Nam từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc có mặt tại diễn đàn. Ảnh: Trương Khởi.

Thủ tướng cũng nhắc lại biện pháp phát triển thị trường cho nông sản là phát triển hạ tầng thuận lợi để giảm chi phí vận chuyển. Các doanh nghiệp và địa phương phải kết nối với nhau nhằm giảm bớt chi phí thương mại, tạo ra giá thành cạnh tranh.

Vận tải đường sông phải là xương sống

Tại diễn đàn, ông Richard Courey, Chủ tịch Vision Transportation Group chuyên về vận tải logistic và hạ tầng giao thông đề xuất những chiến lược nhằm cải thiện hạ tầng logistic cho Đồng Tháp và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Richard, ưu tiên đối với khu vực này là phát triển hệ thống đường thuỷ cao tốc nội địa tự nhiên do các nhánh sông Mekong tạo ra. Hiện đại hoá hạ tầng của khu vực nhằm biến nó thành xương sống cho mạng lưới vận tải logistic hiện đại kết nối với thị trường trong nước, khu vực và toàn cầu.

Trên cơ sở đó, Đồng bằng sông Cửu Long cần phá triển cụm logistic tại các vị trí chiến lược của sông và kênh rạch. Các cụm này cung cấp cho người nông dân và doanh nghiệp chế biến một trung tâm bền vững, hiệu quả về chi phí để thu gom, đóng gói, chế biến, chuyên chở sản phẩm của mình.

Thủ tướng: Người dân có quyền được hưởng sản phẩm tươi, sạch
Theo các chuyên gia nước ngoài, vận tải đường sông phải trở thành xương sống trong phát triển hạ tầng logistic ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trương Khởi.

Một trong những đề xuất của ông Richard Courey là xây dựng cảng nước sâu tại một vị trí chiến lược của Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện đại cho logistic.

Ngoài ra, các địa phương cũng phải nâng cấp hệ thống đường bộ, đường thuỷ tiếp cận với hạ tầng của sân bay Cần Thơ nhằm đáp ứng nhu cầu “đúng thời gian” đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Cùng quan điểm Tiến sĩ Arjo Rothuis (Đại học WUR Hà Lan) cho rằng giải pháp giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long chính là phát triển vận tải đường sông. “Trên đường xuống Đồng Tháp, tôi nhận thấy giao thông đường bộ của các bạn đã trở nên quá bận rộn. Do vậy, khơi thông các kênh rạch, tận dụng ưu thế đường sông là một giải pháp hợp lý”, TS Arjo nói.

Tuy nhiên, ông Arjo cho rằng không nên bằng mọi giá giảm chi phí logistic để giảm giá thành sản phẩm. Thay vào đó, các nhà sản xuất nên tăng chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu được vào các thị trường mang lại giá trị cao như Mỹ hay Châu Âu.